Xã hội ngày càng phát triển dấn đến nhu cầu sử dụng khí gas trong gia đình ngày càng phổ biến. Nhân dân ta từ chỗ sử dụng các nguyên, nhiên liệu chất đốt truyền thống có nguồn gốc thực vật đã chuyển qua sử dụng nhiều các nhiên liệu hóa thạch. Đặc biệt là khí dầu mỏ hóa lỏng. Khí dầu mỏ hóa lỏng với ưu điểm cho nhiệt lượng cao, sạch và không sinh khí độc hại nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn.
Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước đã để xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến khí dầu mỏ hóa lỏng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan và thiếu thông tin về công tác an toàn của người sử dụng. Do đó, để nâng cao công tác an toàn trong sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng tại mỗi gia đình, người sử dụng cần nắm được những kiến thức cơ bản về khí dầu mỏ hóa lỏng và cách lựa chọn một bình gas an toàn:
1. Những đặc tính cơ bản của Khí dầu mỏ hóa lỏng
Khí dầu mỏ hóa lỏng có tên tiếng Anh là Liquefied Petroleum Gas (viết tắt là LPG), nhân dân ta thường quen gọi là Gas; có thành phần chủ yếu gồm Propane (C3H8) và Butane (C4H10), tỷ lệ Propane/Butane là 50/50 (±10% mol). Tỷ trọng dung dịch là 0,5 kg/lít đối với Propane và 0,58 kg/lít đối với Butane; thể tích dung dịch lỏng khi hóa hơi tăng khoảng 250 lần. Ở dạng lỏng LPG nhẹ hơn 0,5 lần so với nước; khi ở dạng hơi LPG nặng hơn không khí từ 1,5 đến 2 lần; tỷ lệ giãn nở gấp khoảng 20 lần so với nước khi nhiệt độ thay đổi. Khi thoát ra ngoài nó sẽ lan truyền ở mặt đất và tập trung ở những chỗ thấp nhất như cống rãnh, hố ga… nó sẽ phân tán khi có gió.
LPG không màu, không mùi, không vị; để dễ nhận biết LPG khi bị rò rỉ người ta pha thêm Ethyl Mercaptane có mùi đặc trưng (mùi trứng thối). Nhiệt lượng khi cháy từ 1.900 oC – 1.950 oC, có khả năng đốt cháy và nung chảy hầu hết các chất, khi cháy tạo ra CO2 và hơi nước. LPG có chất lượng tốt, không lẫn tạp chất khi cháy không tạo muội, khói và các khí độc khác như đốt than. Hỗn hợp LPG với không khí hoặc Oxy sẽ tạo thành hỗn hợp có tính phát nổ nên khi sử dụng cần hết sức cảnh giác vì tính chất có thể phát cháy lớn hoặc nổ mạnh.
2. Thận trọng khi mua Gas
Vì hám lợi mà nhiều người đã bất chấp những quy định của pháp luật để chiết nạp và kinh doanh LPG trái phép. Đó cũng là nguyên nhân mà người tiêu dùng dễ mua phải hàng giả và hàng kém chất lượng; gas giả hoặc gas được sang chiết trái phép thường không đảm bảo về số lượng, chất lượng và càng không đảm bảo về an toàn. Để lựa chọn một bình gas 12 kg sử dụng trong gia đình vừa đảm bảo an toàn và không phải hàng giả, người tiêu dùng cần lưu ý:
Thứ nhất, nên mua gas tại đại lý, cửa hàng có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh LPG do Sở Công Thương cấp
Đại lý, cửa hàng phải chuyên nghiệp, có địa chỉ rõ ràng, có kiến thức để kiểm tra bảo dưỡng hệ thống gas dân dụng, tư vấn sử dụng gas hiệu quả và an toàn cho khách hàng (theo quy định giấy phép đủ điều kiện phải được đưa lên biển hiệu của cửa hàng).
Thứ hai, kiểm tra bên ngoài của bình gas
Lựa chọn các bình gas ngày kiểm định còn thời hạn hiệu lực, hình thức nguyên vẹn không bị móp méo, không bị han gỉ nhiều; kiểm tra van bình có bị xì gas bằng nước xà phòng pha loãng.
Thứ ba, xem tên chủ sở hữu bình gas
Tên chủ sở hữu bình gas được dập nổi trên quai bình, vai xung quanh van bình và thương hiệu được dán hoặc sơn trên thân bình. Trường hợp thương hiệu là: Petrolimex Gas, Shell Gas, VT Gas hay Thành Lợi Gas… thì trên niêm phong van cũng phải có chữ Petrolimex Gas, Shell Gas, VT Gas hay Thành Lợi Gas… Ngoài ra, một số hãng còn có tem chống hàng giả để người tiêu dùng dễ nhận biết.
Thứ tư, các thông số kỹ thuật trên vỏ bình
Các thông số kỹ thuật phải được dập một cách rõ ràng, dễ đọc, đúng vị trí; thận trọng với những vỏ bình có biểu hiện sửa chữa các thông số nêu trên. Khi quan sát vỏ bình có một số từ viết bằng tiếng Anh được dập trên vỏ bình có ý nghĩa như sau:
DOT-4BA-240: Tiêu chuẩn chế tạo chai chứa;
WC: Dung tích chai chứa (lít);
WP: Áp suất làm việc (KG/CM2);
TP: Áp suất thử thủy lực (KG/CM2);
PR + BU: Propan + Butan và khối lượng nạp vào bình (kg)
NO: Số sản xuất của vỏ bình;
Tested: thời điểm đã tiến hành kiểm định (tháng – năm);
Retest: thời gian kiểm định lại (tháng – năm);
TARE: trọng lượng của bình (kg);
Thứ năm, nên kiểm tra trọng lượng của bình gas
Việc kiểm tra có thể tiến hành như sau: đem một bình gas lên cân thử, giả sử trọng lượng của cả khí và bình là 25 kg, mà trọng lượng của vỏ bình là 13 kg (thông số này được dập trên vỏ bình), điều đó cho ta biết khối lượng của khí trong bình chứa là 12 kg.
Tuy nhiên, để chắc chắn không bị gian lận thì cần kiểm tra độ chính xác của cân; một cách đơn giản và hiệu quả là lấy vỏ bình gia đình cần đổi đưa lên cân thử, trường hợp trên vỏ bình ghi trọng lượng của bình là 13 kg mà khi cân có trọng lượng lớn hơn 13 kg thì có thể kết luận: cân không chính xác và khí nạp vào bình cũng không đảm bảo về khối lượng.
Thứ sáu, một số đặc điểm của bình gas giả
Người tiêu dùng cần nắm được một số đặc điểm của một bình gas giả:
– Trọng lượng gas khi cân bị thiếu, niêm màng co không được phủ căng vào đầu van, không thể hiện ngày và nơi chiết nạp, tờ rơi quảng cáo kém chất lượng;
– Các vỏ bình quá hạn kiểm định, các thông số trên vỏ bình có dấu hiệu bị tẩy xóa, sửa đổi;
– Logo dập nổi không rõ ràng có dấu hiệu bị mài và đắp lại;
– Không có nhãn hàng hóa được dán phía trong tay xách của bình hoặc có nhưng không thể hiện theo yêu cầu.
Việc sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng an toàn trong gia đình còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng của bếp gas, ý thức của người sử dụng… Việc lựa chọn một bình gas an toàn chính là bước đầu tiên quan trọng trong việc sử dụng gas ở gia đình. Khi lựa chọn bình gas, hãy lưu ý những điểm trên để tránh những sự cố không mong muốn nhé.