Theo báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc (LHQ), có một tín hiệu đáng mừng là lỗ hổng tầng ozone đang dần thu hẹp lại nhờ những nỗ lực cắt giảm khí thải hiệu ứng nhà kính của các quốc gia trên thế giới trong những năm qua.
Tầng ozone đã trở nên mỏng dần vào cuối những năm 1970. Khi đó, các nhà khoa học đã cảnh báo về việc các chất hóa học nhân tạo được sử dụng chủ yếu trong ngành công nghiệp điện lạnh gây ảnh hưởng đến tầng ozone và những chất có hại này đã từng bước bị loại bỏ trên toàn thế giới.
Theo LHQ, với quá trình thu hẹp ở mức 1-3% một thập niên kể từ năm 2000, dự kiến tầng ozone tại bán cầu Bắc sẽ được khôi phục hoàn toàn vào năm 2030. Trong khi đó, tại khu vực bán cầu Nam, quá trình khôi phục sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2060.
Theo nguồn báo The Associated Press, trong năm nay, các nhà khoa học đã ghi nhận lỗ thủng tầng ozone tại cực Nam đã giảm xuống gần 24,8 triệu km2, nhỏ hơn con số được ghi nhận lớn nhất vào năm 2006 là 29,6 triệu km2.
Ông Paul Newman, đồng tác giả của bài báo cáo và là nhà nghiên cứu Trái Đất tại Trung tâm Hàng không Quốc gia Goddard của NASA, cho hay: “Đây quả thật là một tin tốt. Nếu chúng ta không sớm hành động để ngăn cản việc suy giảm này, 2/3 tầng ozone của Trái Đất sẽ bị tiêu hủy trước năm 2065.”
Tầng ozone bảo vệ Trái Đất khỏi các tia cực tím gây ung thư da và tổn hại đến thảm thực vật. Việc sự dụng các chất hóa học nhân tạo như chloro-flurocarbons (CFC), với ứng dụng chủ yếu là chất làm lạnh trong tủ lạnh và điều hòa, đã giải phóng lượng clo và brôm ra môi trường gây ra lỗ hỗng ozone. Vào năm 1987, các nước trên thế giới đã cùng nhau ký kết Nghị định thư Montreal với mục đích cắt giảm và từng bước xóa sổ các chất CFC.