Vào ngày 13/01/2018, kỷ niệm 140 ngày sinh Peyo Yavorov, nhà thơ được ví như ngọn đuốc của văn học Bulgaria.
Peyo Yavorov, tên thật là Peyo Totev Kracholov, sinh ngày 13/1/1878 tại Chirpan, một thành phố nhỏ ở miền Nam Bulgaria. Ông học tại đó và học ở Plodiv. Tham gia cách mạng, làm việc ở Thư viện quốc gia. Viết thơ từ rất sớm, năm 1901 xuất bản tập thơ đầu tiên “Thơ”, ấn bản lần thứ hai năm 1904 được Slaveikov viết lời nói đầu. Trong thời gian này, nhà thơ làm việc tại thư viện, sau đó là một nhà viết kịch tại Nhà hát Quốc gia.
Năm 1907 ông xuất bản tập thơ thứ hai ” Mất ngủ ” , đã mở đường cho thơ ca Bulgaria hiện đại. Thơ của Yavorov biểu tượng, siêu hình, thấm nhuần chủ nghĩa hoài nghi sâu sắc và “thấu suốt ” về “những vấn đề muôn đời mà chẳng thế kỷ nào giải quyết được” đã thay đổi tích cực tư duy văn học Bulgaria và đòi hỏi một cách viết mới. Năm 1910 ông in tập thơ chọn lọc “Đuổi theo bóng mây”, được tái bản lần hai năm 1914, trình bày cân bằng hướng đi văn học chỉ có thể so sánh với Hristo Botev. Ông là một nhà thơ lớn sau Hristo Botev, Ivan Vazov.
Linh hồn nhạy cảm của nhà thơ khó quen được với tính cách hư ảo và sự đau khổ trong cách đạo đức văn học và trần tục ở thủ đô. Laura Karavelova, con gái của một chính khách, kết hôn với ông năm 1912 là một phụ nữ mà tình yêu lại mang hoạ cho ông. Một tình yêu cháy bỏng và đầy bão tố, với rất nhiều đam mê nghi ngờ. Cái kết bi thảm đến vào ngày 29/11/1913, khi Laura tự bắn và Yavorov định tự tử. Viên đạn chỉ xuyên qua mắt và làm ông bị mù. Suy sụp bởi vụ kiện và tin đồn cáo buộc ông là một kẻ giết người, ngày 29/10/1914 nhà thơ đã uống một liều thuốc đọc lớn chất độc và tự bắn. Như vậy đã kết thúc sòng phẳng cuộc sống, nhưng không phải với văn học của nhà thơ Bulgaria lớn nhất – Peyo Yavorov.
Tổ quốc
“Ôi! Tôi yêu người, Tổ quốc ơi, và trông thấy người đau
Một nỗi khổ dày vò tôi độc địa
Tôi khom lưng dưới một sự đoạ đày gấp bội
Và tôi kéo lê những xiềng xích người mang
Nhưng người là ai? Một miếng đất xa xăm?
Đất của thung lũng kia, hay là đồi nọ?
Nằm vô giác dưới mưa tuôn sét bổ
Nay dân cư ngày mai lại dân cư?
Người ở đây, Tổ quốc ơi, người ở nơi nào?
Có phải là giữa bầy tản mát
Dê và sói tận chân trời ngút mắt
Không thể nào đếm được, bị gió đuổi lang thang?
Người có phải là lời của mẹ
Tiếng nói đầu tiên mơn trớn lỗ tai tôi
Có phải là tinh tuý không phai
Của lời nói, của cuộc đời mới mãi?
Vâng, tinh chất ấy ở nơi tôi, trong đó
Quá khứ khứ rỉ rên như tiếng vọng âm thầm
Và tương lai trong đó như tiếng gọi xa xăm
Thầm thì bên tai những mộng mơ man mác
Và người ở trong tôi, hỡi người, ôi Tổ quốc!
Và người là của tôi: niềm vui cũng là nỗi thương đau
Bởi vai tôi oằn dưới một gánh nặng ngược nhau
Và người là của tôi – là sự mênh mông của chính tôi trong vô tận”
(Bản dịch của Xuân Diệu)
Theo doanbulgaria1976.wordpress.com