Lịch sử của Bulgaria có liên quan mật thiết với truyền thống sản xuất sữa chua, món ăn đã trở nên phổ biến khắp thế giới. Sữa chua cũng trở thành đặc trưng văn hóa quan trọng đối với người dân Bulgaria trong suốt chiều dài lịch sử.
Tại Bulgaria, sữa chua có ở khắp mọi nơi và trong mọi mặt cuộc sống. Đây là thành phần không thể thiếu của các món ăn truyền thống Bulgaria, thí dụ như “tarator”, món súp lạnh làm từ sữa chua, nước, dưa chuột, quả óc chó và thảo dược; hoặc món salad “snezhanka” bao gồm sữa chua, dưa chuột, tỏi và thìa là. Người dân Bulgaria thưởng thức sữa chua mọi lúc mọi nơi, từ quán ăn đường phố cho tới các nhà hàng sang trọng.
Sữa chua có lịch sử lâu đời ở đất nước châu Âu này. Nhiều người cho rằng sữa chua lần đầu xuất hiện cách đây khoảng 4.000 năm khi các bộ lạc du mục đến định cư ở Bulgaria. Những người du mục mang theo sữa đựng trong da động vật, tạo ra một môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển và lên men thành sữa chua.
Ngoài ra, Bulgaria còn đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu sữa chua sang phương Tây và biến nó thành sản phẩm thương mại phổ biến toàn thế giới. Điều này có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của một nhà khoa học Bulgaria, người đầu tiên khám phá thành phần của sữa chua. Năm 1904, TS Stamen Grigorov trở về Trường đại học Y khoa Geneva (Thụy Sĩ) sau khi nghiên cứu ở quê nhà Trun (Bulgaria). Ông mang theo một bình đất truyền thống “rukatka” chứa sữa chua trở lại phòng thí nghiệm. Một năm sau, ông đã xác định được vi khuẩn thiết yếu gây ra sự lên men và tạo thành sữa chua. Các vi sinh vật này đã được đặt tên là “lactobacillus bulgaricus” theo xuất xứ từ Bulgaria. Để tưởng nhớ khám phá của TS Grigorov, bảo tàng về sữa chua duy nhất trên thế giới đã được xây dựng ở làng Trun.
Công trình chi tiết của TS Grigorov về thành phần của sữa chua đã được Élie Metchnikoff, nhà sinh vật học người Nga, từng đoạt Giải Nobel Sinh học tiếp tục nghiên cứu. Trong cuốn sách “The Prolongation of Life” (tạm dịch là “Sự nối dài cuộc sống”) của ông xuất bản năm 1908, Metchnikoff đã xác định được mối liên quan giữa tuổi thọ cao của người nông dân Bulgaria và thói quen ăn nhiều sữa chua. Thực tế đã khẳng định, dãy núi Rhodope của Bulgaria được ghi nhận là nơi tập trung nhiều nhất những người sống thọ trên dưới trăm tuổi ở châu Âu. Điều này đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt về sản phẩm sữa chua ở các nước châu Âu như Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Tây Ban Nha và Anh.
Tuy nhiên, nhu cầu lớn khiến quá trình sản xuất sữa chua nhanh chóng thay đổi. Sữa chua Bulgaria trước kia được làm trong gia đình, do bàn tay khéo léo của phụ nữ và sử dụng các phép đo dựa trên thị giác và vị giác. Ngày nay, quá trình sản xuất được công nghiệp hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về sữa chua. “Sữa chua truyền thống được sản xuất với nhiều loại sữa nguyên chất khác nhau, như sữa trâu và sữa cừu, phụ thuộc không gian hoặc thời gian trong năm. Hiện nay, chúng tôi chủ yếu sử dụng sữa bò”, một chuyên gia của Bulgaria cho biết.
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tiếp tục làm sữa chua theo cách truyền thống và mô hình này đang tiếp tục phát triển nhờ sự xuất hiện của các nhà sản xuất nhỏ tại địa phương. Một trong số đó là Harmonica, hãng sản xuất sữa chua hữu cơ được chứng nhận của Bulgaria. Theo ông Toma Georgiev Bayatev, kỹ thuật viên làm việc tại Harmonica, quá trình sản xuất hiện tại vẫn tuân theo các bước tương tự như TS Grigorov mô tả năm 1905. Sữa được tiệt trùng ở 96 độ C, sau đó làm nguội đến 43,5 độ C và lên men trong khoảng sáu giờ. Sau đó, sữa chua được làm lạnh và đóng gói.
“Khi còn là một đứa trẻ, bà tôi đã pha trộn sữa chua với quả mứt và đó là cách tôi bắt đầu ăn sữa chua, lâu dần nó trở thành một thói quen. Tôi nhận thức được tất cả các lợi ích sức khoẻ của sữa chua, nhưng đó không phải là lý do tại sao tôi ăn nhiều. Quan trọng hơn, đó là một phần của lối sống Bulgaria”, anh Nikola Stoykov, một người dân sống tại Thủ đô Sofia (Bulgaria) cho biết.
Nguồn: www.nhandan.com.vn