Như mối cơ duyên, lần thứ hai đến Bulgaria, tôi gặp một người khá đặc biệt-một công dân Bulgaria đích thực nhưng hết lòng yêu mến Việt Nam. Với dáng người to, đậm, chắc của một võ sĩ Judo, ông Ivan Mihalev ôm chầm lấy anh em chúng tôi, gọi to: “Các bạn Việt Nam. Các bạn Việt Nam của tôi!”.
Bách bộ cùng ông khắp khu quảng trường và công viên giữa thủ đô Sophia, nghe ông kể những lời tâm sự đầy nhiệt huyết về mối quan hệ giữa Việt Nam và Bulgaria; về quá trình làm ăn của người Việt tại Bulgaria, tôi cảm nhận được ông là một người Bulgaria có tình yêu sâu đậm với Việt Nam.
Anh Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt tại Bulgaria, nói với chúng tôi: “Ông ấy giúp đỡ cộng đồng người Việt tại Bulgaria rất nhiều. Đến thăm chợ Việt Nam ở Sophia, các anh sẽ biết rõ hơn”. Anh Lê Đức Lưu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria, cho biết thêm: “Ông ấy đang triển khai xây dựng các khu nhà cho thuê giá rẻ dành cho người Việt Nam và chuẩn bị đón lao động Việt Nam sang làm việc tại Sophia. Điều đặc biệt hơn, ông ấy đã quyết định dành tặng 1.000m2 đất ngay giữa thủ đô Sophia để cộng đồng Việt Nam xây dựng một ngôi chùa Việt trên đất Bulgaria”.
Khối đoàn kết bên nhau không thể tách rời
Ngay sau khi Liên Xô (gồm 15 nước cộng hòa) tan rã, khối các nước Đông Âu cũng đường ai nấy đi, Bulgaria cũng không nằm ngoài vòng xoáy của cơ chế mới. Thời điểm ấy cơn sốt cổ phần hóa biến Bulgaria thành một “cái chợ” bán đủ thứ, từ máy bay, tàu hỏa, ô tô đến nhà máy, xí nghiệp… Chớp thời cơ, Mihalev bỏ tiền mua các nhà máy ở thủ đô Sophia. Đây thực chất là những nhà máy chỉ còn trơ khung, ông cho dọn sạch máy móc đã lỗi thời, biến các khung nhà kho thành nơi họp chợ. Sau năm 1990, người Việt phần lớn đi lao động vào chợ thuê sạp, bán buôn quần áo, giày dép… “Đây chính là mối cơ duyên giữa cộng đồng người Việt với tôi”, Mihalev kể lại. Ban đầu làm ăn còn khó khăn, Mihalev đứng ra lo giấy phép cho bà con. Ai không may ốm đau, gặp tai nạn, ông thăm hỏi, lo thuốc thang…
Hôm đoàn của chúng tôi đến Bulgaria cũng đúng ngày Ban Quản lý khu chợ tổ chức ra mắt “Trung tâm dạy tiếng Việt cho cộng đồng Việt Nam ở Bulgaria”. Ivan Mihalev cũng đến dự. Ông hào phóng trao tặng trung tâm 2.000 euro. Tham quan khu chợ, tôi biết thêm, ông còn dành một căn phòng để CLB phụ nữ sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Vì thế, tính cả diện tích của câu lạc bộ và trung tâm dạy tiếng Việt, ông đã “biếu” không thu tiền 300m2 để cộng đồng Việt Nam ở Sophia sử dụng.
Chị Phạm Thị Duyên (vợ anh Nguyễn Quang Tuấn), Phó chi hội Phụ nữ cộng đồng Việt Nam tại Sophia, nói: “800 gia đình Việt Nam trong chợ đều có thu nhập ổn định là nhờ sự giúp đỡ của ông Mihalev”. Khi được hỏi vì sao ông lại yêu quý bà con Việt Nam và dành cho họ mọi sự giúp đỡ có thể, Mihalev trả lời: “Tôi giúp họ vì họ chính là người giúp tôi. Tôi giàu lên nhờ họ. Vì thế, không có lý gì mà họ không giàu lên nhờ tôi. Với cộng đồng người Việt tại Bulgaria, có thể nói chúng tôi là một khối không thể tách rời”.
Trang mới đang mở ra
Làm ăn với cộng đồng người Việt tại Bulgaria gần 30 năm, ông Mihalev vẫn ấp ủ hy vọng một ngày nào đó thiết lập cây cầu hữu nghị giữa Sophia và Hà Nội. Thế rồi một hôm, ông đặt vấn đề với anh Nguyễn Quang Tuấn: “Anh tính giúp tôi ký kết hợp tác với ngành thể thao Việt Nam đi. Tôi là Chủ tịch Liên đoàn Judo Bulgaria nên có thể giúp đỡ Liên đoàn Judo Việt Nam về kinh nghiệm, tổ chức các giải mang tầm quốc tế; có thể giúp Việt Nam huấn luyện vận động viên, trọng tài, huấn luyện viên…”. Mang thông điệp đó về Việt Nam, anh Tuấn nhờ tôi kết nối với Tổng cục Thể dục thể thao. Và rồi chúng tôi trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia kiêm Chủ tịch Liên đoàn Judo Việt Nam. Nghe chúng tôi nói, anh Hùng tỏ ra rất thích thú, bởi Bulgaria là một cường quốc thể thao, mạnh về bóng đá, bóng chuyền, thể dục nghệ thuật, đặc biệt là các môn võ vật. Anh Hùng nhận lời và được phía Liên đoàn Judo Bulgaria mời sang Sophia.
Theo lời mời của Liên đoàn Judo Bulgaria, chúng tôi đã có mặt ở Sophia. Buổi làm việc của chúng tôi với Liên đoàn Judo Bulgaria diễn ra tại tòa Đại sứ Việt Nam ở thủ đô Sophia. Tại đây, tôi còn được gặp bà Soyanka Dimitrova, nguyên sinh viên Bulgaria du học tại Việt Nam những năm 1965-1970 (Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia). Bà nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt. Bà cho biết rất ấn tượng về Việt Nam, về “những con người Việt Nam cần cù, hòa đồng, thân thiện”. Buổi làm việc của chúng tôi được giới truyền thông Bulgaria hết sức quan tâm. Ông Mihalev nói: “Hôm nay là một ngày vui với tôi, với Liên đoàn Judo Bulgaria. Chúng tôi đã có một con đường riêng để đến với Việt Nam, đó là con đường hợp tác thể thao giữa hai nước. Thông qua Liên đoàn Judo Bulgaria, tôi xin hứa sẽ là cầu nối để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hoạt động của Liên đoàn Judo thế giới”.
Đường xa đang hóa gần
Khác với những năm 1980-1990, muốn sang xứ sở hoa hồng, chỉ có duy nhất đường bay từ Hà Nội sang Moscow. Những năm gần đây, từ Việt Nam sang Bulgaria có nhiều đường bay, qua Istanbul-Paris-Amsterdam, còn nếu bay qua Hồng Công-Singapore có thể bay thẳng đến Sophia. Theo Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria Nguyễn Thị Hồng Oanh: Sau 6 năm đàm phán, năm nay sẽ là thời hạn cuối cùng để Bulgaria được công nhận là thành viên EU. Đó là điều kiện và cơ hội để Bulgaria phát triển.
Bulgaria có tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đất đai phì nhiêu. Những cánh đồng nho, cà chua trĩu quả hai bên đường chúng tôi qua đã nói lên một phần tiềm năng nông nghiệp của đất nước này. Ông Mihalev còn là chủ tịch của một hãng rượu vang ở Bulgaria. Trò chuyện với chúng tôi, ông hy vọng được mang rượu vang của đất nước ông sang Việt Nam tiêu thụ. Ông nói, nho của Bulgaria rất ngon nên rượu vang cũng sẽ mang đến cho người dùng một hương vị rất riêng, rất Bulgaria. Điều đặc biệt là giá rượu vang Bulgaria rất thấp. Chỉ tốn khoảng 1,5USD, người tiêu dùng đã được thưởng thức một chai rượu vang Bulgaria chất lượng. Đại sứ Nguyễn Thị Hồng Oanh cho biết: “Tiềm năng hợp tác giữa hai nước là to lớn. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai chiều mới đạt 100 triệu USD, còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ chính trị giữa hai nước. Trong chuyến thăm của Thủ tướng nước ta tới Bulgaria và Tổng thống Bulgaria tới Việt Nam, hai bên đã ký kết các thỏa thuận hợp tác về lao động, dạy nghề, về trao đổi hàng hóa. Trong tương lai gần, hàng hóa của Việt Nam sẽ được xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường Bulgaria”.
Trở lại sự hợp tác giữa Liên đoàn Judo Bulgaria và Liên đoàn Judo Việt Nam, ông Mihalev khẳng định: “Đây là con đường thứ hai để kết nối tôi với Việt Nam. Do vậy, tôi sẽ sớm triển khai các thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn Judo Việt Nam. Thời gian tới đây, tôi sẽ sang thăm Việt Nam. Trước mắt, Liên đoàn Judo Bulgaria sẽ trao tặng Liên đoàn Judo Việt Nam một số dụng cụ phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo, như: Thảm, quần áo cho vận động viên…”.
Ông Mihalev cho biết, tới đây, ông sẽ tổ chức mỗi năm hai đợt cho các đội tuyển võ vật Việt Nam sang Bulgaria tập huấn. Ông chia sẻ: “Tôi sẽ nỗ lực để thuyết phục Chủ tịch Liên đoàn Judo thế giới dành sự quan tâm đặc biệt đến võ vật Việt Nam. Trước mắt, các giải vô địch châu Âu mở rộng sẽ mời Việt Nam tham gia”.
Nghe ông nói, tôi lại nhớ đến hôm liên hoan chúc mừng sự kiện hai liên đoàn thể thao Việt Nam-Bulgaria ký kết hợp tác, ông Mihalev nói: “Hãy coi tôi là thành viên của Liên đoàn Judo Việt Nam. Hãy coi tôi là người Việt Nam. Và sắp tới đây, tôi sẽ làm đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam để sớm trở thành công dân Việt Nam…”.
Trước khi chia tay chúng tôi, ông thổ lộ: “Tôi rất khâm phục nhân dân Việt Nam, khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lòng yêu nước và ý chí vượt khó đã cho thấy một đất nước Việt Nam đổi mới và phát triển. Nếu sang Việt Nam vào thời gian tới đây, tôi sẽ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu! Sẽ cụ thể hóa bản thỏa thuận hợp tác về thể thao giữa hai liên đoàn đi vào thực chất”.
Mihalev không chỉ là người luôn dành cho bà con, cho cộng đồng người Việt tại Bulgaria những sự giúp đỡ, hỗ trợ cần thiết, không hề tính toán, mà khi nghe tin bà con ở Việt Nam bị thiên tai lũ lụt, ông đều đến dự và thành tâm ủng hộ hàng nghìn euro để Đại sứ quán Việt Nam gửi về giúp đỡ bà con trong nước. “Ông ấy hết lòng vì Việt Nam, với Việt Nam. Ông ấy thực sự xứng đáng là một người Việt Nam”, Đại sứ Nguyễn Thị Hồng Oanh thổ lộ.
Nguồn: www.qdnd.vn