Ngày 1/1, Bulgaria bắt đầu đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU). Đây là lần đầu tiên Sofia giữ cương vị này kể từ khi gia nhập EU vào năm 2007.
Bulgaria chọn khẩu hiệu “Đoàn kết tạo nên sức mạnh”, một khẩu hiệu của Quốc hội và trên Quốc huy của nước Cộng hòa Bulgaria, cho nhiệm kỳ chủ tịch của mình. Trên trang web chủ tịch luân phiên EU, Bulgaria đặt ưu tiên bốn lĩnh vực then chốt trong nhiệm kỳ sáu tháng gồm: Tương lai của châu Âu và giới trẻ, khu vực Tây Balkan, an ninh và ổn định và nền kinh tế số.
Mặc dù vậy, trên vai trò mới, Bulgaria vẫn phải giải quyết các vấn đề của khối như ngân sách EU sau năm 2020, kế hoạch cải tổ Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chưa thể thúc đẩy do chưa thành lập được chính phủ mới tại Đức, tăng cường hợp tác về quốc phòng, yêu cầu về cải cách các thể chế châu Âu hậu Brexit (Anh rời khỏi EU) cũng như quá trình hướng tới thị trường số chung của châu Âu.
Không giống như Hội đồng châu Âu (EC), vốn được bầu từ các nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ các nước EU, Hội đồng EU bao gồm một đại diện cấp bộ trưởng từ mỗi nước thành viên đối với một lĩnh vực chính sách cụ thể. Hội đồng sẽ họp theo các thể thức khác nhau tùy thuộc vào những vấn đề được thảo luận.
Hiện Bulgaria, xếp thứ 21/28 nước thành viên EU về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), rất kỳ vọng vào nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên đầu tiên của mình để có thể cải thiện hình ảnh đất nước. Gia nhập EU năm 2007, Bulgaria hiện đang nỗ lực thuyết phục EU rằng đất nước này xứng đáng được hội nhập vào khối tự do đi lại Schengen và trong dài hạn là Eurozone. Với tinh thần hòa giải, Chính phủ Bulgaria được kỳ vọng sẽ có thể giúp EU hóa giải được nhiều vấn đề gai góc mà khối này đang phải đối mặt.
GDP của Bulgaria trong quý III/2017 đạt 3,9%, tăng so với mức 3,7% ghi nhận trong quý II. Lạm phát của Bulgaria hiện ở mức thấp, tỷ lệ nợ công chỉ chiếm 29% GDP và ngân sách thặng dư tương đương 1,6% GDP.
Theo bnews.vn