Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh cột sống, xương khớp phổ biến. Để tránh những biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần phát hiện sớm các triệu chứng để nhanh chóng điều trị thoát vị đĩa đệm từ ngiai đoạn ban đầu, giúp tăng khả năng hồi phục hồi và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bài viết dưới đâu sẽ cung cấp cho các bạn các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Lê Nghiêm Bảo – Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Thoát vị đĩa đệm là bệnh gì?
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh cột sống, khi nhân nhầy trong đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi và chèn ép vào ống sống hoặc chèn vào các rễ thần kinh sống, có sự đứt rách vòng sợi gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình.
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý khá phổ biến ở độ tuổi từ 22 – 55 tuổi. Bệnh gây ra không ít biến chứng nguy hiểm cho người mắc. Do đó, thoát vị đĩa đệm cần sớm được phát hiện và có phương pháp điều trị kịp thời.
2. Triệu chứng thoát vị đĩa đệm thường gặp
Hầu hết các đĩa đệm bị thoát vị thường xuất hiện ở phần lưng dưới (đoạn cột sống thắt lưng), thoát vị cũng có thể xuất hiện ở cổ nhưng với tỉ lệ ít hơn. Các dấu hiệu thoát vị đĩa đệm phổ thường gặp nhất là:
- Đau thần kinh tọa: Một trong những triệu chứng thoát vị đĩa đệm điển hình nhất đó là đau dây thần kinh tọa: cơn đau buốt trải dài từ hông xuống đùi, lan tới các ngón chân theo đường đi của dây thần kinh tọa.
- Đau cánh tay hoặc đau chân: Đau cánh tay nếu vị trí thoát vị điễ đệm ở cổ hoặc chân nếu vị trí thoát vị ở thắt lưng. Cơn đau này có thể xảy ra mỗi khi ho, hắt hơi hoặc khi bệnh nhân di chuyển cột sống vào những vị trí nhất định, những tư thế nhất định.
- Tê hoặc ngứa ran: Cảm giác châm chích, giống như bị điện giật hoặc ngứa ran ở phần cơ thể có sự phân bố bởi của dây thần kinh bị ảnh hưởng bởi thoát vị đĩa đệm.
- Teo và yếu cơ: Vùng cơ bị chi phối bởi các dây thần kinh bị ảnh hưởng bởi thoát vị có thể bị teo và yếu sức.
3. Khi nào bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cần đến gặp bác sĩ?
Khi cơn đau ở vùng cổ hoặc vùng thắt lưng lan tới cánh tay hoặc chân hoặc xuất hiện những triệu chứng đi kèm như: tê bì, đau nhức, yếu cơ… bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, xác định tình trạng bệnh và có phương án điều trị thích hợp. Đặc biệt cần đến bệnh viện ngay khi các triệu chứng bình thường rất nhẹ nay đột nhiên trở nên tồi tệ hơn: đau nhức, tê bì hoặc yếu cơ đến mức gây cản trở sinh hoạt hàng ngày
Rối loạn chức năng ruột hoặc bàng quang: Bệnh nhân bị hội chứng đuôi ngựa (cauda equina syndrome) bị són tiểu hoặc bí tiểu cả khi bàng quang đang căng đầy.
Hội chứng mất cảm giác yên ngựa (Saddle anesthesia): đây là tình trạng mất cảm giác tiến triển, ảnh hưởng đến những khu vực như: bắp đùi phía trong, phía sau chân và vùng quanh trực tràng.
4. Điều trị thoát vị đĩa đệm
Điều trị thoát vị đĩa đệm không dùng thuốc
Hầu hết các trường hợp bị thoát vị đĩa đệm đều không cần phải phẫu thuật tái tạo. Việc luyện tập và sử dụng thuốc theo một liệu trình nhất định sẽ làm giảm các triệu chứng bệnh chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần. Nếu tình trạng đau vẫn tiếp tục kéo dài không giảm, bệnh nhân sẽ được chỉ định tập vật lý trị liệu để hạn chế tới mức tối đa ảnh hưởng của bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể. Một số phương pháp trị liệu không dùng thuốc hoặc kết hợp dùng thuốc giúp giảm đau thường xuyên ở lưng dưới:
- Chiropractic (phương pháp kéo nắn xương khớp): phương pháp này mang lại hiệu quả ở mức độ vừa phải với cơn đau lưng dưới, kéo dài ít nhất 1 tháng. Lưu ý, trị liệu bằng phương pháp chiropractic với bệnh nhân bị thoát bị đĩa đệm cổ, trong một số hiếm trường hợp có thể gây ra đột quỵ.
- Châm cứu: Làm giảm đau lưng và đau cổ kinh niên tương đối tốt.
- Massage: Giảm đau ngắn hạn cho người bị đau lưng dưới kinh niên.
- Yoga: Kết hợp vận động thể chất, tập thở và thiền, giúp cải thiện chức năng và làm giảm đau lưng kinh niên.
Có thể dùng các phương pháp như tác động cột sống, kéo giãn cột sống trong điều trị bệnh. Ở một vài tuần đầu tiên, khi tổn thương thoát vị còn mới chưa bị xơ hóa, việc tác động cột sống làm giãn các mâm sống và dịch chuyển phần đĩa đệm bị lồi ra trở lại vị trí bình thường. Kéo giãn cột sống bằng dụng cụ cũng cho tác dụng tương tự, chỉ định cho bệnh nhân lồi hoặc thoát vị đĩa đệm. Mặc áo nẹp cột sống cho tác dụng cố định tạm thời, hạn chế các động tác mạnh lên vùng cột sống tổn thương, qua đó làm giảm lực tác động lên đĩa đệm.
Điều trị nội khoa bằng thuốc
Điều trị nội khoa bằng thuốc thường gồm ba nhóm chính:
- Thuốc giảm đau – kháng viêm: paracetamol, diclofenac, meloxicam..
- Thuốc chống động kinh.
- Thuốc giãn cơ: mydocalm, myonal… chỉ định trong trường hợp co cứng cơ cạnh cột sống.
Tiêm giảm đau ngoài màng cứng corticosteroids
Corticosteroids là thuốc kháng viêm mạnh có thể được tiêm trực tiếp vào vùng xung quanh dây thần kinh cột sống, làm giảm triệu chứng viêm tại chỗ và các triệu chứng khác của thoát vị đĩa đệm. Đây là phương pháp dùng để điều trị cho các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm từ trung bình đến nặng. Liệu trình mỗi đợt 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 3 – 7 ngày.
Điều trị ngoại khoa
Trong một số ít trường hợp, khi tình trạng thoát vị chèn ép toàn bộ rễ thần kinh vùng đuôi ngựa (vị trí ngay bên dưới thắt lưng) gây hội chứng đuôi ngựa (biểu hiện bí đại tiểu tiện, mất cảm giác đau xung quanh hậu môn và bộ phận sinh dục), lúc này bệnh nhân cần phải được phẫu thuật ngay để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng gây yếu tay/chân hoặc liệt. Thêm vào đó, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật khi phương pháp điều trị bảo tồn không cải thiện triệu chứng sau 6 tuần, đặc biệt nếu bệnh nhân tiếp tục gặp phải các vấn đề:
- Tê hoặc yếu
- Khó đứng thẳng hoặc đi bộ
- Mất kiểm soát bàng quang và/hoặc ruột
Trong nhiều trường hợp mổ thoát vị đĩa đệm, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ phần nhô ra của đĩa đệm, thậm chí một số trường hợp phải loại bỏ toàn bộ đĩa đệm. Trong những trường hợp này, các đốt sống có thể cần phải được kết hợp với phần cứng kim loại để cung cấp sự ổn định cho cột sống. Như vậy bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cơ bản về các phương pháp điều trị chứng thoát vị đĩa đệm. Hi vọng chúng sẽ giúp ích cho các bạn!