“Sofia’s Last Ambulance”, bộ phim tài liệu khắc họa thực trạng ngành Y tế Bulgaria (Bun-ga-ri) đoạt giải tại LHP Cannes. Phim ngay lập tức khiến dư luận trong nước nổi sóng vì những vấn đề của Y tế.
Giành giải tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5 vừa qua, “Sofia’s Last Ambulance” (Chiếc xe cứu thương cuối cùng của thành phố Sofia) không chỉ đem về cho nền điện ảnh Bulgaria niềm vinh dự mà còn đem lại những rắc rối không ngờ cho các nhà chức trách đồng thời giúp ngành y tế nhận được sự quan tâm hiếm thấy từ trước tới nay.
“Sofia’s Last Ambulance” kể về công việc vất vả của một đội ngũ nhân viên cứu thương khẩn cấp tại thủ đô Sofia, Bulgaria. Trong đó, phim nhấn mạnh vào những vấn đề mà hệ thống cấp cứu nơi đây phải đối mặt trong suốt một thời gian dài vì số tiền hỗ trợ quá ít ỏi của Chính phủ.
Mới đây, khi phim chính thức được chiếu ra mắt tại quê nhà, công việc quá đỗi vất vả, căng thẳng của đội ngũ bác sĩ, y tá cùng sự hoạt động hết công xuất của các lái xe cấp cứu đã làm dấy lên dư luận trong xã hội.
Ngay sau đó, chính phủ nước này đã buộc phải mở thêm hai trung tâm hỗ trợ cấp cứu mới để tăng tốc độ hoạt động của xe cứu thương và trong tương lai sẽ còn có thêm hai trung tâm nữa được mở trong dịp cuối năm.
Những điều này được chính bộ trưởng y tế cam đoan. Lương của đội ngũ y bác sĩ cấp cứu và đội ngũ lái xe cứu thương đều sẽ được tăng lên 18% ngay trong năm nay. Bộ trưởng y tế, bà Desislava Atanasova đã bình luận rằng: “Sofia’s Last Ambulance đã phản ánh hiện trạng thực tế đáng buồn đang diễn ra”.
16 lái xe cứu thương của thành phố Sofia phục vụ một lượng dân số vào khoảng 2 triệu người. Bộ phim đã cho thấy những thử thách mà đội ngũ nhân viên cấp cứu phải vượt qua để cứu những mạng sống đang thoi thóp trong điều kiện thiết bị thiếu thốn và cấp tốc đưa bệnh nhân tới bệnh viện trên những con đường nhiều ổ gà.
Dù đã có những biến chuyển tích cực nhưng nhân vật chính của bộ phim – bác sĩ Krasimir Yordanov cho biết thế vẫn là chưa đủ. “Thiếu nhân lực mới là nguyên nhân chính đưa tới vấn đề và việc có thêm những trung tâm hỗ trợ cấp cứu chẳng thay đổi được điều gì trong thực tế”.
Lương thấp trong ngành y tế đã khiến hàng trăm bác sĩ và y tá Bulgaria ra nước ngoài làm việc trong những năm gần đây. Các hiệp hội y tế trong nước ước tính rằng lượng y tá rời Bulgaria hàng năm lên tới 1.200 người.
Sau 25 năm hoạt động trong ngành y, bác sĩ Yordanov nói rằng lương được trả hàng tháng của ông còn “ít hơn lương được trả hàng tuần của bất cứ đồng nghiệp nào trong ngành tại những nước thuộc Liên minh Châu Âu khác”.
Bộ phim tài liệu này được đạo diễn bởi Ilian Metev đã giành nhiều giải thưởng tại những LHP khác của Ý, Đức, Slovakia, Cộng hòa Séc…
Theo http://dantri.com.vn